Âm vang cuộc kháng chiến chống Mĩ trong thơ ca Việt Nam

Thành viên:Bài Sơn Bài Sơn     Bài viết: 15
Thứ sáu - 15/12/2017 08:18
Chiến tranh đã lùi xa, khói lửa đạn bom đã lùi sâu vào quá khứ, song mỗi người Việt Nam đều không thể quên những trang máu lửa của dân tộc. Hôm nay đây, trong không khí một ngày hòa bình, ngày cả nước long trọng hướng tới 73 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta không khỏi bồi hồi lật dở những trang kí ức để được sống lại trong lịch sử một thời hào hùng sục sôi của dân tộc. Cảm ơn các nhà thơ, nhà văn đã kịp thời ghi lại thời khắc thiêng liêng ấy trong những nốt nhạc, bài ca hay nhất, để thế hệ trẻ hôm nay có cơ hội được trở về, được ghi công đức và từ đó biết sống hơn vì một Việt Nam hùng mạnh tương lai.
Việt Nam - dải đất hình chữ S bên bờ sóng gió, trong lịch sử 4000 năm đã luôn phải gồng mình chống lại những âm mưu xâm lược, thôn tính của kẻ thù. Thế kỉ XX đã ghi lại nhiều dấu mốc trọng đại để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Kháng chiến chống Pháp vừa kết thúc sau 9 năm độc lập, đế quốc Mĩ lại nhảy vào. Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên, Tổ quốc đau thương chưa bao giờ im tiếng súng. Và rồi anh vệ quốc quân năm xưa lại bước vào cuộc chiến đấu mới với tư thế mới  hiên ngang, kiêu dũng. Nhà thơ Tố Hữa đón các anh trên dặm dài kháng chiến từ Bắc vào Nam bằng cảm hứng tráng ca:
Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào anh con người đẹp nhất
Lịch sử hôn anh chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỉ XX
Một dây, một cây chông cũng tiến công giặc Mĩ
Hành trang vào chiến trường của các anh vẫn thế:
Vẫn đôi dép lội chiến trường
Vẫn vành mũ lá coi thường hiểm nguy
Chiến thắng chưa kịp kết thành hoa, chưa hiện hình thành trái, các anh lại ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Vẫn vành mũ tai bèo, ba lô con cóc. Vẫn những chuyến tàu dọc ngang. Ghé nhà rất vội, chỉ đủ nhìn rồi lại chia li. Trên một góc phố nào đó giữa lòng Hà Nội còn bộn bề sau ngày độc lập chưa lâu, nhà thơ Nguyễn Mĩ đã kịp ghi vội giây phút chia li của một cặp vợ chồng:
Đó là cuộc chia li chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Và sắc đỏ màu áo tiễn chồng của người vợ trong mùa thu năm ấy đã trở thành ngọn lửa thắp sáng tình yêu, thắp sáng niềm tin về ngày chiến thắng. Các anh ra đi với chân lí:
Chúng tôi đi không tiếc cuộc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc
Nhờ vậy mới có cuộc trường chinh cả nước lên đường. Lên đường với niềm tự hào cháy rực của 4000 năm lịch sử chỉ biết ngẩng cao đầu. Thơ ca  viết về các anh trong những năm chống Mĩ là những dòng tráng ca hào hùng, bay bổng:
Yêu biết mấy những con người đi tới
Hai cách tay như hai cánh bay lên
Ngực dám đón những phong ba dữ dội
Chân đạp bùn không sợ các loài sên
Anh dũng, kiên trung trong đấu tranh, song trong cuộc sống đời thường các anh lại rất đỗi bình dị, khiêm nhường. Chiến sĩ vận tải trên đường Trường Sơn năm ấy là những anh lính còn rất trẻ. Gian khổ , khó khăn không làm các anh nhụt chí, không làm phai nhạt vẻ ngang tàng, khí khách, lạc quan của người lính cụ Hồ. Đồng hành cùng những đoàn quân vượt Trường Sơn năm ấy, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã chộp được những bức ảnh độc về người chiến sĩ lái xe:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái
Vì mục đích hủy diệt và nô dịch, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mĩ đã dội xuống hai miền Nam Bắc hơn bảy triệu tấn đạn bom, lớn hơn lượng bom đạn mà Mĩ đã sử dụng trong bất cứ cuộc chiến nào trước đó. Trong chiến dịch phá hoại miền Bắc Việt Nam của người Mĩ, bình quân mỗi người dân đã phải hứng chịu 45,5 kg bom đạn. Để cứu mảnh đất quê hương khỏi sự giày xéo của quân thù, không biết bao nhiêu người lính đã ngã xuống. Năm 1972, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cam go nhất, nhà thơ trẻ Lâm Thị Mĩ Dạ cũng có mặt trong chiến trường. Trên đường hành quân cùng đồng đội vượt qua vùng trọng điểm đầy bom đạn ác liệt, câu chuyện hố bom và khoảng trời người con gái đã được kể lại. Và bài thơ “Khoảng trời hố bom” được ra đời:
Chuyện kể rằng em cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom
Với Lê Anh Xuân, xúc động dâng trào trước tư thế hiên ngang của anh giải phóng quân hi sinh trong khi đang đứng bắn. Nhà thơ nhận ra từ đó dáng hình của Tổ Quốc Việt Nam đau thương mà kiêu dũng:
Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ Quốc bay lên bát ngát mùa xuân
Trong cờ hoa rực rỡ tung bay, trong tiếng hát rộn ràng ngày Sài Gòn giải phóng không có bóng hình các chị các anh. Đâu đó còn rất nhiều niềm vui không trọn vẹn.  Nhưng máu của các anh đã thấm đẫm mảnh đất này, để cho đất nở hoa và khúc khải hoàn ca ngày chiến thắng sẽ còn âm vang mãi. Tổ quốc mãi ghi công các anh. Tương lai sẽ nhắc đến các anh với niềm biết ơn, tự hào, hãnh diện: Mãi mãi anh bộ đội cụ Hồ. 
Hoàng Thị Hồng Mơ - Giáo viên trường THPT Cửa Lò

Nguồn tin: Trường THPT Cửa Lò

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  LIÊN KẾT BANER

  LIÊN KẾT WEBSITE

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây